Sài Gòn – Một địa danh, một tiếng gọi thân thương không biết xuất hiện từ bao giờ nhưng chỉ biết rằng mỗi khi nhắc đến Sài Gòn, người ta luôn dành những tình cảm thân thương, trìu mến để gọi tên.
Sài Gòn chưa xa đã nhớ. Bởi Sài Gòn được tạo nên bởi những quán cà phê, chiếc bánh mì mỗi sáng, bánh tráng trộn, hủ tiếu gõ, chiếc xe kem leng keng,… mà còn qua những nét kiến trúc bền vững với thời gian. Mà kiến trúc Sài Gòn ghi đậm dấu ấn của kiến trúc Pháp mang tính bền vững với thời gian. Cùng điểm qua một vài kiến trúc mang hơi thở của quá khứ còn lại đến ngày nay.
Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà là kiệt tác được 138 năm tuổi. là công trình độc đáo của Sài Gòn. Theo thông tin từ trang Wikipedia thì trong quá trình xây dựng Nhà thờ, toàn bộ vật liệu xây dựng đều mang từ Pháp sang. Phần móng của Thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên. Điều đặc biệt là nhà thờ không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn - Gia Định lúc ấy và bây giờ.
Điểm nhấn của Nhà thờ được trang trí nổi bật 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh Kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp. Tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều tuân thủ theo hình thức Roman và Gôtich, tôn nghiêm và trang nhã. Đặc biệt là các tháp chuông cao làm nổi bật sự uy nghi, tôn nghiêm của Nhà thờ.
Mặt trước thánh đường là một công viên (Công trường Công xã Paris) với bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá, gần đó là Bưu điện Sài Gòn. Trung tâm của công viên là bức tượng Đức Mẹ Hòa bình (hay Nữ vương Hòa bình). Tượng do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959.
Nguồn ảnh: Internet
Chợ Bến Thành
Nguồn ảnh: Youtube
Chợ Bến Thành tọa lạc tại trung tâm quận 1, được khởi công xây dựng từ năm 1912 và hoàn thành năm 1914. Với nguồn gốc ban đầu là nơi nhóm họp của các tiểu thương bán hàng trên phố gần sông Sài Gòn. Năm 1870, chính quyền thuộc địa Pháp chính thức đặt tên khu vực này là Les Halles Centrales (tức Chợ Trung tâm). Chợ được dời vào một tòa nhà mới vào năm 1912 với tên gọi mới là Chợ Bến Thành.
Với diện tích trên 13.000m2, chợ bán bán chủ yếu các mặt hàng quần áo, vải sơi, giày dép, thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm tươi sống, trái cây và hoa tươi. Ngoài ra, chợ còn rất phong phú với các quán ăn vặt, món ăn đậm chất các vùng ở miền Nam.
Một Sài Gòn về đêm không thể thiếu một khu chợ Bến Thành náo nhiệt. Điều đó tạo nên hình ảnh của một Sài Gòn không thể lẫn vào đâu được.
Chợ Bến Thành năm 1921
Trụ sở của Công ty đường sắt Sài Gòn
Trước đây, Ga Sài Gòn nằm ngay trung tâm thành phố, gần chợ Bến Thành. Từ cuối thập niên 1900 đến 1950, người Sài Gòn di chuyển nhiều bằng xe lửa. Nhưng sau đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và hoạt động vận tải đường sắt không còn giá trị thương mại do sự tàn phá của chiến tranh. Sau năm 1975, Ga Sài Gòn được tháo dỡ và rời về Quận 3 ngày nay.
Tòa nhà bán vé và hành chính của công ty Hỏa xa Đông Dương (CFI) nay là trụ sở của công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng
Vết tích duy nhất còn lại về thời đại hỏa xa ở Sài Gòn là tòa nhà Bureau du Chemin de fer của công ty Hỏa xa Đông Dương (CFI), hiện là trụ sở của công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, nằm ở góc đường Hàm Nghi - Lê Lợi (quận 1, TP HCM).
Ảnh: Vietnam Landmarks
Ngân hàng nhà nước Việt Nam, chi nhánh phía Nam
Tòa nhà tọa lạc ngay bên bến Chương Dương nhìn ra rạch Bến Nghé, có mặt bằng hình chữ nhật gồm một tầng hầm, tầng trệt và hai tầng lầu.
Phong cách kiến trúc có sự pha trộn giữa phong cách kiến trúc châu Âu kết hợp với đường nét kiến trúc Chăm, Khmer, thể hiện ở hình khối, môtip trang trí các mặt đứng, cột, rào lưới, cửa sắt, hành lang, lan can, bancông, góc mái, trán cửa... Đặc trưng trang trí những môtip hoa sen, dây lá, các hình tượng tựa đầu chim thần Garuda, rắn Naga cách điệu; thanh cuộn cửa sổ.
Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Sài Gòn
Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh hiện tọa lạc tại số 1 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4.
Bảo tàng đặt trong ngôi nhà trước đây là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế (Messageries Impériales) - một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng từ giữa năm 1862 và hoàn thành vào năm 1863 với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "Lưỡng long chầu nguyệt" - một kiểu trang trí quen thuộc của đình chùa Việt Nam.
Với kiểu kiến trúc độc đáo đó nên trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế (Hotel des Messageries Impériales) còn được gọi là Nhà Rồng và bến cảng cũng mang tên là Bến cảng Nhà Rồng. Năm 1870, Công ty Vận tải Hoàng đế (Hotel des Messageries Impériales) đổi thành công ty Vận tải Hàng hải (Messageries Maritimes) nhưng nhiệm vụ và phạm vi hoạt động không thay đổi. Công ty đã thay thế mặt trăng trên nóc nhà bằng biểu tượng của công ty, đó là: vương miện, mỏ neo và đầu ngựa; chính vì vậy công ty còn được gọi là hãng Đầu Ngựa.
Năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại ở Việt Nam, thương cảng Sài Gòn – trong đó có Nhà Rồng được chuyển giao cho chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý. Họ đã cho tu bổ lại mái ngôi nhà và thay thế hai con rồng cũ bằng hai con rồng khác với tư thế quay đầu ra. Năm 1965, ngôi Nhà Rồng do quân đội Mỹ sử dụng làm trụ sở của Cơ quan Tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ. Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, Nhà Rồng - biểu tượng của cảng Sài Gòn - thuộc Cục đường biển Việt Nam quản lý.
Một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến cảng Sài Gòn và thành phố Hồ Chí Minh đó là vào ngày 5/6/1911, Bác Hồ (lúc bấy giờ lấy tên là Văn Ba) đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville từ bến cảng Sài Gòn, để đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Người đã đi qua Pháp và nhiều nước với nhiều châu lục khác nhau, để sau 30 năm trở lại đất nước, trực tiếp lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc giành độc lập thống nhất Tổ quốc.
Ảnh: Internet
Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Ảnh: Internet
Trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc phương Tây cổ kính, có hình dáng mô phỏng theo kiểu lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Công trình được xây dựng từ năm 1898 đến 1909, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế.
Tòa nhà tọa lạc tại Trung tâm thành phố, số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1, ngay đầu phố đi bộ Nguyễn Huệ. Nơi đây cùng với Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Sài Gòn, dinh Độc Lập… làm thành chuỗi những địa điểm tham quan “cổ xưa” của Sài Gòn. Có lẽ, nằm ở vị trí đắc địa của khu trung tâm thành phố và cũng là những công trình lâu đời ở Sài Gòn nên tòa nhà Ủy ban Nhân dân thành phố thu hút lượng lớn du khách đến tham quan.
Nhà hát lớn thành phố
Nhà Hát Thành Phố được xây dựng vào năm 1897 với mục đích là nơi biểu diễn mua vui cho lính viễn chinh Pháp hay còn gọi là địa điểm giải trí phổ biến của giới thượng lưu. Được xây dựng với phong cách kiến trúc tân cổ điển và lấy cảm hứng từ các thiết kế của Opera House ở Paris, Nhà Hát Lớn là một tác phẩm nghệ thuật duyên dáng và thanh lịch nổi bật giữa lòng Sài Gòn sôi động, đầy náo nhiệt.
Các mẫu trang trí, điêu khắc nổi như tượng Nữ Thần Nghệ Thuật, các dây hoa,… đều được những họa sĩ tên tuổi người Pháp vẽ vào cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua. Với một tầng trệt và hai tầng lầu gồm 1800 ghế ngồi, chắc chắn bạn sẽ thật sự được đắm mình để tận hưởng những bản hòa nhạc mang phong cách Tây Âu giữa không khí mát dịu cùng âm thanh, ánh sáng tuyệt hảo.
Nguồn ảnh: Youtube
Khách sạn Continental Sài Gòn
Hotel Continental Saigon nằm trên đường Đồng Khởi, một trong những con đường lâu đời và trung tâm nhất ở Sài Gòn.
Năm 1878, Pierre Cazeau, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và đồ dùng trang trí, khởi công xây dựng “Hotel Continental”, với mục đích cung cấp cho người Pháp, sau khi vượt nghìn trùng hải hành tới Việt Nam, có một nơi ở sang trọng theo đúng kiểu Tây tại miền đất họ vừa đặt chân tới. Sau hai năm xây cất, năm 1880, “Hotel Continental” khánh thành.
Kiến trúc khách sạn được thiết kế để giảm thiểu oi bức vào mùa hè của khí hậu nhiệt đới vừa đón nhiều gió trời và ánh sáng tự nhiên, toàn bộ mái ngói và tường xây của công trình bằng gạch nung dày, phòng ngủ và khu vực công cộng rộng rãi, trần cao 4 mét.
Thiết kế tổng thể của khách sạn trên khuôn viên hình chữ nhật, ở giữa là sân trời có ba cây bông sứ (hoa đại) trồng từ năm 1880 đến nay vẫn trổ hoa xanh tốt; những đặc trưng này tạo nên cảm giác riêng biệt: góc bình yên ngay trong lòng thành phố.
Nguồn ảnh: Internet
Bưu điện trung tâm Sài Gòn
Bưu điện trung tâm Sài Gòn là một trong số những biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh, đón hàng ngàn lượt khách mỗi ngày. Xây dựng từ năm 1886 đến năm 1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu và Foulhoux – phụ tá của ông, Bưu điện Sài Gòn được xem là một viên ngọc kiến trúc của Sài Gòn xưa và nay. Kiến trúc của bưu điện là sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét trang trí của châu Á. Bưu điện Sài Gòn nổi bật với bố cục cân đối của một công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao. Tòa nhà có kết cấu hình khối với mái vòm hình vòng cung phía trên các cửa ra vào.
Phía trên mái vòm có một chiếc đồng hồ lớn. Hai bên bưu điện được bố trí thành từng ô hình chữ nhật có hình nam nữ đội vòng nguyệt quế cùng tên của một số danh nhân người Pháp như Voltaire, Laplace, Arago, và các nhà khoa học có công phát minh ra điện thoại và điện tín. Kiến trúc mang phong cách Pháp ấn tượng của bưu điện được thiết kế bởi kĩ sư Gustave Eiffel, người sáng tạo nên tháp Eiffel huyền thoại của Paris.
Bưu điện Sài Gòn thật sự là một kiệt tác giữa thành phố Hồ Chí Minh hiện đại. Không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp lộng lẫy nhưng vẫn mang vẻ thơ mộng, Bưu điện trung tâm Sài Gòn còn được biết đến với phong cách làm việc chuyên nghiệp trong ngành bưu chính viễn thông.
Nguồn ảnh: Internet
THU THỦY (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
(0)