Chợ truyền thống của Hà Nội sẽ có diện mạo mới?
HealthBridge Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội kiến trúc sư Hà Nội và tổ hợp sáng tạo kiến trúc – xây dựng – nghệ thuật AGOhub tổ chức dự án nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội”.
Khu chợ Châu Long, ảnh: An ninh Thủ đô
Dự án nghiên cứu chuyên sâu về 03 khu chợ đang sắp được nâng cấp với nhiều tiềm năng kinh tế và phát triển các không gian công cộng, kết nối du lịch cho khu gồm Chợ Châu Long, Chợ Ngọc Lâm, Chợ Hạ – Mê Linh.
Các kiến trúc sư tham gia dự án không chủ đưa ra những thiết kế giúp khu chợ trở nên hấp dẫn hơn, mà còn đi sâu nghiên cứu về mối liên hệ của cộng đồng xung quanh đối với khu chợ, như: việc dễ dàng tiếp cận dành cho người tàn tật và người già, đưa ra các đề xuất để giúp các tiểu thương dễ dàng giữ vệ sinh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như vận hành gian hàng được hiệu quả.
Dự án bao gồm chuỗi đào tạo kéo dài 4 ngày (từ ngày 29/10 – 2/11/2018), được điều phối bởi ông Steve Davies – chuyên gia nghiên cứu về việc phát triển chợ với 25 năm kinh nghiệm và đã tham gia vào công cuộc cải tạo nâng cấp hơn 500 chợ trên toàn thế giới và hơn 20 kiến trúc sư trẻ từ các văn phòng kiến trúc uy tín nhằm nghiên cứu và phát triển các phương pháp sáng tạo với chi phí hợp lý để có thể ứng dụng cho việc nâng cấp không gian của các chợ truyền thống trong toàn thành phố.
Kết quả của quá trình nghiên cứu sẽ được thuyết trình trước đại diện của thành phố cũng như ban quản lý các khu chợ truyền thống Việt Nam và cả các tiểu thương tham gia buôn bán trong các chợ.
Hiện nay, chợ truyền thống đang dần bị thay thế bởi chuỗi các siêu thị. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu nhận ra tầm quan trọng của những khu chợ như là một không gian công cộng, một nơi quảng bá thổ sản địa phương, hay đơn giản là một không gian mang lại sinh khí cho những khu dân cư xung quanh thông qua các hoạt động và sự kiện cộng đồng. Không những thế, những khu chợ có thể tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm tiểu thương và những người làm việc liên quan, góp phần thúc đẩy các mô hình kinh tế nhỏ lẻ của vùng.
THỦY NGUYÊN
Ý kiến bạn đọc
(0)