Thứ Sáu, 06/09/2019 | 17:09 GTM+7

Bất động sản công nghiệp: Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Trong lúc thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức, thì phân khúc bất động sản công nghiệp chính là "điểm sáng” trên thị trường và sẽ là xu hướng lựa chọn của nhà đầu tư trong thời gian tới.

Hưởng lợi từ EVFTA

Các chuyên gia kinh tế và bất động sản (BĐS) cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với nguồn vốn đầu tư FDI và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết trong năm 2019, đã mang lại ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Ông John Campbell, Tư vấn cao cấp – Dịch vụ công nghiệp - Savills Việt Nam: Lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam

Trong đó, EVFTA sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa. Điều này đồng nghĩa với việc, các cụm, khu công nghiệp của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Qua đó, thúc đẩy nhu cầu đối với BĐS công nghiệp trong nước.

Ông John Campbell, Tư vấn cao cấp - Dịch vụ công nghiệp - Savills Việt Nam - đánh giá, với 25% thuế quan xuất khẩu (XK) áp trên tổng giá trị XK 250 tỷ USD của Trung Quốc và vẫn có khả năng tăng thêm 10% trên tổng giá trị XK hàng hoá 300 tỷ USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, đã và đang hướng các công ty đa dạng hoá quy trình sản xuất, bằng việc dịch chuyển nhà máy sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, điều này giúp BĐS công nghiệp tiếp tục hưởng lợi.

Bên cạnh đó, Việt Nam thu hút với đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định cùng với việc Việt Nam duy trì nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2019 và là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tất cả các yếu tố này cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam khá hấp dẫn.

Triển vọng phát triển

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, sức hấp dẫn của BĐS công nghiệp Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như: chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi…

Cần thay đổi cách tiếp cận về đầu tư BĐS công nghiệp theo hướng các KCN gắn kết với các hạ tầng dịch vụ logistics, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo

Hiện Việt Nam có khoảng 95.500 ha đất dành riêng cho các khu công nghiệp (KCN). Vốn FDI đầu tư vào BĐS công nghiệp gấp 10 lần trong suốt thập kỷ qua. Tuy nhiên, đầu tư cho BĐS công nghiệp, bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và các dịch vụ hậu cần khác, vẫn đang ở mức “mới phát triển”. Do đó, lĩnh vực này đang có rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và chắc chắn sẽ thu hút thêm những nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ.

Theo ông John Campbell, Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn các dự án sắp tới để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam.

Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng, qua đó tạo đà cho BĐS công nghiệp bứt phá và phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng, cần thay đổi cách tiếp cận về đầu tư BĐS công nghiệp theo hướng các KCN cần gắn kết với các hạ tầng dịch vụ logistics, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển bền vững trong các KCN...

Các chính sách mới của Chính phủ về BĐS công nghiệp như tiếp tục thu hút các dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường; khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các thành phố thông minh; xây dựng các giải pháp cân bằng FDI và cho phép tập trung đầu tư vào các tỉnh khác… đã mở ra nhiều cơ hội phát triển các KCN trên cả nước.

Theo kế hoạch phát triển đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực BĐS công nghiệp là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.

Tính đến tháng 8/2019, cả nước có 326 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 95 nghìn ha, trong đó 251 KCN đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt trên 74%.

Theo THANH MINH/Báo Điện tử Công Thương

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)