Kiến Trúc 20 tháng 6, 2018

5 tiêu chí của công trình Kiến trúc xanh Việt Nam

Thứ Tư, 20/06/2018 | 19:06 GTM+7

Hội Kiến trúc sư Việt Nam xác định để chứng nhận một công trình Kiến trúc xanh phải đáp ứng 5 tiêu chí quan trọng. Các tiêu chí được phân loại A, B, C (Tốt, Đạt, không đạt), trong đó: A (Tốt) - Đạt tốt các tiêu chí; B (Đạt) - Đạt các tiêu chí và C (không đạt). Công trình kiến trúc được công nhận kiến trúc xanh khi đạt 70% tiêu chí loại A, không có tiêu chí loại C.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết có 5 Tiêu chí Kiến trúc xanh Việt Nam gồm Địa điểm bền vững; Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; Chất lượng môi trường trong nhà; Kiến trúc tiên tiến, bản sắc; Tính xã hội, nhân văn bền vững.

Không gian được phủ xanh mát quanh năm, ảnh: Arch Daily

1. Địa điểm bền vững: mục tiêu là nhằm tạo lập cảnh quan hài hòa, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa công trình kiến trúc với cảnh quan xung quanh và khai thác, phát huy những yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trương sống của con người.

  • Địa điểm xây dựng phải phù hợp với quy hoạch
  • Bảo vệ môi trường và cảnh quan tự nhiên
  • Ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng/chống thiên tai
  • Hòa nhập với cảnh quan tự nhiên
  • Phục hồi, nâng cấp môi trường cảnh quan

2. Sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả: mục tiêu nâng cao hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong việc sử dụng tài nguyên đất đai, nước, năng lượng, vật liệu… để phát triển kiến trúc.

  • Sử dụng hợp lý, tiết kiệm đất đai trong xây dựng
  • Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
  • Khai thác, sử dụng hiệu quả không khí và ánh sáng tự nhiên
  • Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước
  • Sử dụng vật liệu thân thiện môi trường
  • Áp dụng công nghệ xanh
  • Quản lý hiệu quả trong xây dựng, khai thác sử dụng công trình kiến trúc, khu đô thị.

Nguồn ảnh: Internet

3. Chất lượng môi trường trong nhà: mục tiêu tạo được môi trường trong nhà có chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiện nghi, sử dụng hiệu quả công trình.

  • Tổ chức không gian trong nhà phù hợp nhu cầu tâm sinh lý, giao tiếp cộng đồng.
  • Vỏ bao che phòng, chống, giảm thiểu tác động của các yếu tố môi trường tự nhiên, nhân tạo.
  • Vật liệu nội thất đảm bảo không phát thải khí độc hại và tác động xấu đến sức khỏe, tâm sinh lý người sử dụng.
  • Chất lượng không khí đảm bảo
  • Tiếng ồn: Đảm bảo mức ồn trong nhà, khu đô thị thấp hơn giới hạn cho phép
  • Chiếu sáng: giảm thiểu năng lượng sử dụng, quản lý, kiểm soát chiếu sáng
  • Tiết kiệm năng lượng

4. Kiến trúc tiên tiến, bản sắc: mục tiêu hướng tới nền kiến trúc tiến bộ gắn với kế thừa các giá  trị truyền thống, tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam.

  • Giải pháp quy hoạch, kiến trúc tương thích với nhu cầu sống, hướng tới các giá trị văn hóa của xã hội tương lai.
  • Bảo tồn, kế thừa và khai thác các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống, đặc trưng dân tộc, vùng, miền.
  • Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội

Phong cách bố trí nội thất thân thiện với tự nhiên, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Ảnh: Architizer

5. Tính xã hội – nhân văn, bền vững: mục tiêu phát triển kiến trúc phải gắn với mục tiêu tạo lập, gìn giữ, nuôi dưỡng môi trường xã hội - nhân văn ổn định, bền vững.

  • Bảo đảm sự hòa nhập với yếu tố nhân văn như: truyền thống văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, nếp sống…
  • Đáp ứng các nhu cầu vật chất, văn hóa tinh thần của cá nhân, cộng đồng, dân tộc
  • Tôn trọng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
  • Môi trường – kinh tế -  xã hội ổn định

THU THỦY

Bài viết liên quan

Ý kiến bạn đọc

(0)